Ngày 3/4, UBND tỉnh ĐắkLắk tổ chức Hội nghị chuyên đề về tổng kết ngành hàng Sầu riêng năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, tồn tại vướng mắc từ đó đưa ra giải pháp định hướng chiến lược phát triển ngành sầu riêng trong thời gian đến.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thiên Văn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Pháp chế – HĐND tỉnh; Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Cục trồng trọt, Văn phòng SPS Việt Nam- Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Sở, ngành, địa phương, các nhà khoa học đến từ viện, trường, Doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và xuất khẩu sầu riêng.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tổng diện tích sầu riêng tại Việt Nam khoảng 127.000 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 32.000 ha (lớn nhất cả nước), sản lượng năm 2023 ước đạt trên 280.000 tấn.
Thống kê số liệu của Tông cục Hải quan, xuất khẩu rau quả Việt nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 138%, trong đó Sầu riêng đạt 2,2 tỷ USD, riêng Đắk Lắk ước đat 40 – 45 nghìn tấn quả giá trị khoảng 150 – 160 triệu USD đã góp phần vào xuất khẩu của toàn ngành rau quả.
Thị trường xuất khẩu sầu riêng đã có mặt tại 24 nước, Trung Quốc là thị trường chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây là một thị trường tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh về Logistics và chất lượng so với các nước trong khu vực như Thái lan, Malaysia, indonesia…
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN&PTNT đề xuất giải pháp
Tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 103 mã số vùng trồng và 32 cơ sở đóng gói trên các loại cây trồng, trong đó sầu riêng có 68 mã (chiếm 66% ) và 23 mã số cơ sở đóng gói, đây là một trong những lợi thế rất lớn để sản phẩm sầu riêng của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, dù có lợi thế về diện tích, tiềm năng sẵn có nhưng ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk đang đối mặt với những khó khăn thách thức như: Quy mô diện tích nhỏ lẻ, manh mún, diện tích trồng thuần đạt tỷ lệ thấp, chủ yếu trồng xen với cà phê, tỉ lệ vùng trồng được cấp mã số còn thấp; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư tăng cao, liên kết chuỗi giá trị còn đang lỏng lẽo, kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng và thiếu tính bền vững cho ngành hàng.
Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng Sầu riêng của Thái Lan và vận dụng cho Đắk Lắk để phát triển bền vững
Việc thu mua đang đối mặt với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, cắt non, đẩy giá…đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Mặt khác phía Trung quốc đã có nhiều cảnh báo về hàng chất lượng kém, nhiễm kim loại nặng, nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, gian lận trong sử dụng mã vùng trồng, mã xưởng đóng gói, phần nào đã làm mất uy tín và đối mặt với mất thủy phần, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sản phẩm….
Văn phòng SPS chia sẻ quy định về VSATTP và kiểm dịch thực vật của thị trường Trung Quốc và một số thị trường xuất khẩu khác
Tại Hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT, các Sở, ngành, doanh nghiệp cùng thảo luận về cơ chế hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất chế biến của các nước trên thế giới, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong viêc thực hiện xuất khẩu sầu riêng và đề xuất các giải pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo trong việc quản lý chuỗi ngành hàng sầu riêng sắp tới đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiên Văn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu kết luận
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao của các chuyên gia đối với ngành hàng sầu riêng của tỉnh. Định hướng của tỉnh Đắk Lắk xác định phát triển ngành hàng sầu riêng theo quy hoạch, không ồ ạt, tự phát hoặc chuyển đổi các loại cây trồng khác có giá trị sang trồng mới sầu riêng; đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng hoàn tất kiểm dịch thực vật tại Đắk Lắk. Ban hành Nghị định hoặc Thông tư để hướng dẫn triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả mô hình trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, có tiêu chí đánh giá sự phù hợp để làm cơ sở đàm phán với phía Trung Quốc chấp thuận đối với mô hình này.
Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh cũng như công tác tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, đề nghị địa phương cần tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO:22.000… tích cực xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật. Tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo sầu riêng được trồng và chăm sóc bằng các phương pháp thâm canh bền vững, không sử dụng các hóa chất độc hại trong quá trình canh tác, bảo quản và chế biến. Đồng thời, cần tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, như: hương vị, màu sắc, độ ngọt, độ béo và an toàn cho sức khoẻ của người tiêu dùng.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số. Hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP.
Sở Công Thương hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả; hỗ trợ các cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, quảng bá xúc tiến thương mại.
Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân, với cơ quan nhà nước, nhà khoa học, kết nối thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu đối với ngành hàng sầu riêng hiệu quả gắn với đa dạng sản phẩm và chiến lược phát triển thị trường .